Trong 03 ngày 13,14,15/9/2022, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Văn phòng Ban ATGT tỉnh; Thanh tra Cục đường sắt Việt Nam
Trong 03 ngày 13,14,15/9/2022, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Văn phòng Ban ATGT tỉnh; Thanh tra Cục đường sắt Việt Nam; Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh; UBND các huyện Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang; Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh; Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh; Công ty Cổ phần Thông tin - Tín hiệu Đường sắt Vinh đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở giao cắt với đường sắt, công tác đảm bảo ATGT, quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Chủ trì công tác kiểm tra và các buổi làm việc có ông Đoàn Mạnh Tường - Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải; ông Nguyễn Văn Hiệp - Văn phòng Ban ATGT tỉnh; ông Lê Ngọc Sáng- Phó phòng CSGT công an tỉnh cùng đại diện Thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo, quản lý ngành đường sắt và chính quyền địa phương có tuyến đường sắt đi qua.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh dài 70,28km, đi qua các xã thuộc 3 huyện Đức Thọ, Vũ Quang và Hương Khê. Hiện nay trên toàn tỉnh có 129 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trong đó chỉ có 28 điểm hợp pháp (12 điểm có gác chắn, 16 điểm cảnh báo tự động), còn 102 điểm là lối đi tự mở (đường ngang dân sinh), không được cấp phép. Trong số các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt, huyện Vũ Quang có 26 điểm, Đức Thọ 15 điểm, và Hương Khê 61 điểm.
Hầu hết các tuyến đường dân sinh tự mở giao cắt với đường sắt được hình thành từ rất lâu, bên cạnh đó, một số là các lối tắt đi ra đồng sản xuất nông nghiệp, khi xóa bỏ các lối này, người dân ra đồng sản xuất phải đi rất xa. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động người dân để xóa bỏ các lối đi tự mở này gặp khá nhiều khó khăn, mặt khác các lối đi tự mở ngang qua đường sắt không có rào chắn cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, gây nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua đường sắt.
Qua công tác kiểm tra lần này cho thấy kết quả việc thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở giao cắt với đường sắt quốc gia qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn thấp. Cụ thể tại huyện Đức Thọ mới xóa bỏ được 01/15 điểm (đạt 0.06%); huyện Vũ Quang 04/26 điểm (đạt 0.15%); huyện Hương Khê 03/61 điểm (đạt 0.04%).
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND các huyện có tuyến đường sắt đi qua, ông Đoàn Mạnh Tường - trưởng đoàn công tác đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế trong việc thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở giao cắt với đường sắt qua địa bàn các huyện như: tỷ lệ đạt còn thấp, các địa phương chưa vào cuộc một cách quyết liệt, ngành đường sắt chưa phối hợp chặt chẽ đồng bộ với chính quyền địa phương trong việc bàn các giải pháp cụ thể để xóa bỏ triệt để các điểm, lối đi tự mở; tình trạng thả rông trâu bò trên đường tàu còn diễn ra, có hiện tượng ném đá lên tàu khi tàu đang chạy, thâm chí có địa phương còn để xảy ra tình trạng phát sinh thêm các lối đi tự mở..vv.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt trong thời gian tới và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Thanh tra Sở giao thông vận tải Hà Tĩnh đề nghị các đơn vị phối hợp như: Thanh tra Cục đường sắt Việt Nam, Công an tỉnh, UBND các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, cùng các cơ quan, đơn vị quản lý của Ngành Đường sắt cần tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 14/42020 của UBND tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt để nhân dân hiểu và tự giác chấp hành. Đề nghị UBND các huyện phối hợp với ngành đường sắt kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân tỉnh sớm có phương án đầu tư kinh phí để làm đường gom, hầm chui, cống chui, lắp đặt hệ thống rào chắn nhằm đảm bảo ATGT cho người dân khi đi qua các điểm giao cắt. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm làm phát sinh lối đi tự mở trên địa bàn, tình trạng thả rông trâu bò trên đường tàu, hiện tượng ném đá lên tàu khi tàu đang chạy.. theo thẩm quyền; Phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đường sắt giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, quy hoạch hệ thống đường gom, cầu chui, cống chui trên địa bàn các huyện trong việc thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở theo lộ trình xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở qua đường sắt quốc gia trước năm 2025.
Cũng tại các buổi làm việc, Thanh tra sở cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc khách quan của các địa phương, nhất là vấn đề thiếu kinh phí để thực hiện, Thanh tra Sở sẽ tiếp thu và sẽ có kiến nghị, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Sơn Hải - Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh.