Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập đến nay, Ngành GTVT Việt Nam đã trải qua hơn 70 năm tồn tại và phát triển, gắn liền với sự nghiệp Cách mạng của đất nước với nhiều thời kỳ sôi nổi, hào hùng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Câu nói giản dị của Bác không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của GTVT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở nhiệm vụ đối với những người làm công tác GTVT trong quá khứ, hiện tại và tương lai sau này. Có thể nói lịch sử hình thành, phát triển và trưởng thành của mình, lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân, lao động Ngành GTVT Việt Nam đã luôn theo lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
30 năm đầu tiên của Thế kỷ XX, để thực hiện chính sách khai thác triệt để thuộc địa, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống giao thông từ Bắc vào Nam nhưng chủ yếu nhằm phục vụ công cuộc cai trị và bóc lột. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Hồ Chủ tịch đã chính thức ký quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính thuộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và giao cho nhân sĩ yêu nước Đào Trọng Kim làm Bộ trưởng. Cũng từ đây, hệ thống giao thông đã thực sự trở thành tài sản của người Việt Nam, phục vụ người dân nước Việt.
Giai đoạn 1945 - 1954: GTVT phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp
Thời kỳ mới thành lập, Bộ Giao thông công chính đứng trước những khó khăn rất nặng nề với 6 nhiệm vụ rất căn bản để phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp, đó là:
(1) Vận tải quân, lương phục vụ cho kháng chiến Nam Bộ và các chiến trường khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra (12.1946);
(2) Phá hoại cầu đường ngăn chặn quân địch tiến quân đánh chiếm các vùng tự do, các căn cứ kháng chiến với âm mưu đánh nhanh thắng nhanh;
(3) Thiết lập các đường dây giao liên, giữ giao thông liên lạc thông suốt với các miền Bắc- Trung-Nam;
(4) Sửa chữa, mở đường các vùng tự do, vùng kháng chiến và đi sâu vào các vùng hậu cứ của địch để phục vụ các chiến dịch của ta, đồng thời gia tăng phục vụ sản xuất;
(5) Vận tải hàng hoá, hành khách, vận chuyển lương thực, quân đội tham gia các chiến dịch tấn công giai đoạn 1945 – 1954;
(6) Làm nhiệm vụ quốc tế chi viện cho các nước bạn Lào, Campuchia v.v.
Thành tựu nổi bật của Ngành GTVT thời kỳ này là đã cùng toàn dân tham gia thực hiện các phong trào do Chính phủ phát động và chỉ đạo như “Tiêu thổ kháng chiến”; Phá đường, cầu, cống và các hệ thống giao thông khác để ngăn chặn địch vận chuyển quân lương, súng đạn. Hàng ngàn các đoạn, các cung đường bộ, hàng trăm cầu lớn đã bị phá huỷ và trở thành vật cản, ngăn chặn sự xâm lược của địch. Một thành công lớn là công tác mở đường phục vụ các chiến dịch, tiến tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy không được đầu tư nhiều về tài chính nhưng việc phát huy sức mạnh đoàn kết và dũng cảm của toàn quân, toàn dân đã mở ra những kỳ tích của ngành giao thông vận tải. Đó là thành tích của chiến lược giao thông nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Ở thời kỳ này, ngành GTVT Hà Tĩnh dù non trẻ nhưng đã cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược. Hà Tĩnh là vùng cứ địa vững chắc của cách mạng Việt Nam ở Miền Trung, là hậu phương trực tiếp của mặt trận Bình - Trị - Thiên, của mặt trận Trung Lào, của các chiến trường Tây Bắc, Hà Nam Ninh. Mặc dù chỉ có phương tiện thô sơ với sức người là chính, nhưng lực lượng GTVT Hà Tĩnh đã góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của dân tộc bằng việc mở đường liên tuyến vào các mặt trận phía Nam, củng cố và đảm bảo giao thông sang Lào, tổ chức vận tải bằng xe thô sơ, bằng phương tiện thuỷ, cung cấp sức người, sức của ra tiền tuyến.
Giai đoạn 1954 - 1964: GTVT xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam
Trong thời kỳ này, do nhiệm vụ mới của đất nước là khôi phục phát triển kinh tế miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam, Chính phủ đã quyết định đổi tên Bộ Giao thông công chính thành Bộ Giao thông và Bưu điện do ông Nguyễn Văn Trân làm Bộ trưởng. Ngành GTVT nước nhà bước vào thời kỳ mà nhiệm vụ lớn nhất là khôi phục lại hệ thống giao thông đã phá hỏng trong kháng chiến chống Pháp để phục vụ phát triển kinh tế xây dựng CNXH ở Miền Bắc, chi viện sức người sức của cho chiến trường Miền Nam.
Trong 10 năm (1954 - 1964) hệ thống đường sắt miền Bắc đã được xây dựng và khôi phục lại với những tuyến đường chính là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên. Những tuyến đường này đã có vai trò quan trọng phục vụ đi lại, khôi phục kinh tế miền Bắc trong thời điểm đó và còn phát huy tác dụng đến bây giờ. Về giao thông đường bộ, đường thuỷ cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến quốc lộ phía Bắc và một số cảng sông cũng hình thành, trong đó cảng Hải Phòng có vai trò lớn nhất trong vận chuyển hàng hoá phía Bắc và giao thương với nước ngoài. Nhiều cây cầu mới, con đường mới có tính huyết mạch cũng đã được mở mang xây dựng vừa bằng sức dân, vừa có sự đầu tư của Nhà nước. Ngành GTVT còn tham gia thi công các sân bay như: Nội Bài (trước đây gọi là Đa Phúc), Hoà Lạc (Hà Tây), Vinh (Nghệ An) và sân bay Kép (Bắc Giang). Nhìn chung, thời kỳ này Việt Nam đã hình thành một mạng lưới giao thông tuy không hiện đại nhưng bước đầu phục vụ tốt nhịêm vụ của thời kỳ cách mạng mới.
Lĩnh vực vận tải cũng phát triển vượt bậc so với trước năm 1954. Vận tải đường sắt trong 10 năm (1954 - 1964) đã đảm nhận trên 20% khối lượng vận chuyển. Vận tải đường bộ đã đảm nhiệm từ 30 – 40% khối lượng vận chuyển; lĩnh vực vận tải thủy cũng được đầu tư phát triển. Công nghiệp GTVT đã hình thành một số chuyên ngành và đã tự túc sản xuất được một số mặt hàng phục vụ ngành, nổi bật nhất là Nhà máy toa xe lửa Gia Lâm.
Cùng với cả nước, ngành GTVT Hà Tĩnh cũng đã nhanh chóng khắc phục hậu quả của chiến tranh. Hàng trăm kilômét đường bộ và đường sắt bị phá hoại trong chín năm kháng chiến chống Pháp đã được phục hồi: Quốc lộ 1A với 127km được rải nhựa, cầu cống được xây dựng lại gần như 100%; Quốc lộ 8A đi Lào được nắn tuyến về ngã ba Treo Vọt của Hà Tĩnh, rút ngắn cung đường, giảm được những điểm xung yếu; Quốc lộ 15A liền mạch từ Thanh Hoá - Nghệ An qua Hà Tĩnh (đoạn Đức Thọ - Đồng Lộc - Hương Khê) vào Quảng Bình - Quảng Trị . . . phục vụ vận tải chi viện cho chiến trường Miền Nam và chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Lực lượng chủ lực đảm bảo giao thông của tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển nhanh chóng về người và phương tiện. Trình độ nghiệp vụ và quản lý được nâng cao, mạng lưới GTNT từng bước mở rộng tạo thành khối liên hoàn gắn kết trong xây dựng kinh tế và đảm bảo quốc phòng.
Giai đoạn 1964 - 1975: GTVT chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và chi viện cho giải phóng miền Nam là giai đoạn đánh dấu bước trưởng thành của ngành GTVT kể từ khi thành lập. Hai đặc điểm nổi bật của thời kỳ này là ngành GTVT phục vụ sự nghiệp củng cố và phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Miền Nam. Sự kiện nổi bật ghi dấu ấn lịch sử là hình thành tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển với phong trào “Tất cả vì Miền Nam thân yêu” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Ngành GTVT đã lập nên nhiều kỳ tích huy hoàng, góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt.
Lịch sử sẽ còn nhắc lại những chiến công dũng cảm của cán bộ chiến sĩ, nhân viên ngành GTVT với các sáng kiến đã đi vào huyền thoại trong cả vận tải đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và hàng không. Cán bộ, công nhân đã liên tục đảm bảo giao thông thông suốt trong điều kiện địch đánh phá dữ dội; đã trực tiếp bắn rơi hàng chục máy bay các loại và dò phá hàng ngàn quả ngư lôi, bom nổ chậm ở các trọng điểm ác liệt. Lực luợng vận tải ô tô với 5 công ty vận tải hỗn hợp có 1.271 xe phục vụ chủ yếu chiến trường miền Nam; ngành Đường sắt đã làm 3.915 mét cầu tạm, 82km đường và 274,5km dây thông tin và vận chuyển được 4,16 triệu tấn hàng hoá; những con tàu “không số” của vận tải đường biển đã lập hàng trăm kỳ tích đi vào lịch sử.
Giai đoạn này, đế quốc Mỹ đã chọn địa bàn Hà Tĩnh làm trọng điểm đánh phá, hủy diệt, đặc biệt trên tuyến giao thông xuyên Việt qua Hà Tĩnh vào Nam như tuyến Quốc lộ 1A, 15A và đường Hồ Chí Minh.. . Toàn bộ các tuyến vận tải sắt, thuỷ, bộ đều bị máy bay Mỹ ném bom dữ dội và tổn thất nặng nề. Giặc Mỹ dùng cả không quân, hải quân để khống chế và triệt phá, chúng đánh đồng bộ nhiều nơi, chọn nhiều trọng điểm làm điểm chết cho tuyến vận tải của ta. Trong tám năm tàn phá (1965 -1972) riêng các mục tiêu GTVT Hà Tĩnh phải chịu 22.000 lượt oanh kích của địch. Những địa danh Linh Cảm, Đồng Lộc, Khe Giao trên tuyến Quốc lộ 15A; Bến Thủy, Cầu Họ, Cầu Rác, Thượng Gia - Cổ Ngựa trên tuyến Quốc lộ IA đã trở thành dấu tích không phai trong lịch sử tàn phá của chiến tranh hiện đại. Theo số liệu thống kê tính đến tháng 9/1965, trong 178 cầu cống của 379 kilômét đường giao thông thuộc Tỉnh chỉ còn hai chiếc cầu chưa bị đánh sập. Sự hy sinh về người và của trong nhưng năm tháng đó đối với lực lượng GTVT là rất lớn. Toàn ngành GTVT Hà Tĩnh đã hy sinh 581 cán bộ, chiến sỹ và hàng ngàn người bị thương, để lại một phần xương máu của mình trên từng cây cầu, mét đường.
Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến Miền Nam đánh to thắng lớn" cán bộ chiến sỹ GTVT Hà Tĩnh thực sự là những người lính chiến trên vị trí của mình, cùng toàn quân và toàn dân dũng cảm đương đầu với quân thù để bảo vệ huyết mạch giao thông. Khẩu hiệu "Địch phá, ta sửa, ta đi" đến "Địch phá, ta cứ đi" là mệnh lệnh, là quyết tâm của lực lượng giao thông Hà Tĩnh. Các điểm lửa mà địch tạo ra trở thành lò luyện lòng dũng cảm, đức hy sinh và khả năng sáng tạo. Hàng trăm cầu cống bị đánh sập thì hàng trăm ngầm mới, bến phà mới ra đời. Địch phá đường thành ao, thành ruộng, lực lượng GTVT Hà Tĩnh lấp vá bằng vật liệu tự có, bằng nhà cửa, gạch ngói, bằng cả máu của chính mình cho xe ra tiền tuyến. Chỉ tính riêng tháng 7/1968, giặc Mỹ đánh vào Đồng Lộc 1.863 lần với 42.990 quả bom các loại. Núi ở Đồng Lộc hố bom chồng lên hố bom, đường sá thành ruộng, thành bùn. Dưới mưa bom, bão đạn 16.000 cán bộ, chiến sỹ ngành GTVT Hà Tĩnh cùng bộ đội và nhân dân mở 3 tuyến đường tránh dài 50km, rà phá thành công 1.800 quả bom, đảm bảo cho Đồng Lộc luôn thông xe. Đã có 341 ngưòi ngã xuống nơi đây trong thời gian đó.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự hy sinh của cán bộ công nhân viên chức ngành GTVT là rất to lớn. Toàn ngành đã có hơn 2.600 liệt sỹ, 5.500 thương binh và hàng ngàn cán bộ công nhân nhân viên mang trên mình thương tật. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, Tổng công ty XDCT giao thông 4, giao thông 5 và các Sở GTVT Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh...đều là những đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.,
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức lực, trí tuệ và xương máu của các thế hệ cán bộ, CNVC ngành GTVT đã lập nên những kỳ tích chói lọi, góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, được Quốc hội nước cộng hoà XHCN Việt Nam tuyên dương "Ngành GTVT đã dũng cảm, thông minh, sáng tạo lập nhiều thành tích xuất sắc trên mặt trận GTVT". Từ đó. sáu chữ vàng "Dũng cảm, thông minh, sáng tạo" trở thành truyền thống vẻ vang của ngành.
Giai đoạn 1975 – 1986, ngành GTVT bước vào thời kỳ tái thiết, xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.
Sự tàn phá của chiến tranh trong một giai đoạn dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông cả hai miền Nam, Bắc. Năm 1975 không còn một tuyến đường bộ nào ở miền Bắc đạt cấp kỹ thuật đồng bộ. Phương tiện vận tải của tất cả các ngành giao thông miền Bắc đều thiếu thốn và lạc hậu. Đường bộ có 861 xe, máy và thiết bị các loại, trong đó chỉ có hơn 50% là còn sử dụng được. Đường biển mới có khoảng 4 vạn tấn phương tiện các loại nhưng đều cũ kỹ và không phù hợp với luồng tuyến. Các ngành kinh tế công nghiệp GTVT đều suy yếu bởi thiếu nguồn tài chính đầu tư trong một giai đoạn dài ...
Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ 4 của Đảng (Tháng 12.1976) đã đề ra yêu cầu phải “tích cực mở mang GTVT và thông tin liên lạc vì thực tế không cân đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và không cân đối giữa các bộ phận trong nội bộ ngành....” Thực hiện chủ trương đó, Ngành GTVT đã chấn chỉnh và tổ chức lại bộ máy hoạt động và hình thành một bộ máy mới với các chức năng đầy đủ hơn, đáp ứng thực tế. Hàng loạt Sở GTCC ra đời trên toàn quốc và hàng trăm các doanh nghiệp quốc doanh của ngành đường sắt, đường bộ, hàng không, vận tải biển đã ra đời và giữ vững mô hình hoạt động đến năm 1986.
Về hoạt động vận tải đường sắt: trong giai đoạn này đã khánh thành tuyến đường sắt Bắc - Nam với sự kiện ngày 13/12/1976 chuyến hàng từ TPHCM ra Hà Nội và chuyến tàu chở Apatít phục vụ nông nghiệp đã từ Hà Nội lên đường vào TPHCM.
Trong giao thông đường bộ đã xây dựng mới hơn 20kilomét cầu, 520 cống, đặt mới 660km đường ray và 1.686 km dây thông tin. Các cảng quan trọng như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn cũng được đầu tư nâng cấp thành 2 trung tâm giao nhận hàng hoá lớn nhất của cả nước cùng với hệ thống cảng sông, đội tàu được khôi phục và đầu tư mới tạo ra diện mạo khác hẳn thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Điều đặc biệt là hệ thống vận tải quốc doanh đã có bước phát triển mạnh với đội ngũ kỹ sư chế tạo, sửa chữa và lái xe được đào tạo trong những trường chuyên ngành của Bộ GTVT.
Giai đoạn 1986 đến 1991: GTVT góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước thời kỳ Đổi mới
Ngay từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng CSVN đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển GTVT để GTVT đi trước một bước tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) xác định: “GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng’’ và “GTVT phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân’’.
Thực hiện chủ trương và những mục tiêu mà Đảng đề ra, toàn Ngành GTVT đã có nhiều cố gắng, huy động và phát huy nhiều nguồn lực phục vụ công cuộc phát triển Ngành. Giai đoạn này, Ngành GTVT đã tập trung xây dựng và hoàn thành một số tuyến đường, cây cầu có tầm vóc lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội như quốc lộ QL1, QL5, QL80, QL24, cầu Thăng long, cầu Chương Dương, cầu Bến Thuỷ.... Giao thông miền núi, giao thông nông thôn trong giai đoạn này cũng bắt đầu khởi sắc. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước kết hợp với ngân sách địa phương và sức dân, hàng ngàn con đường liên huyện, liên xã đã được mở, tạo ra mạng lưới giao thông trải rộng trên khắp đất nước. Vận tải đường sắt cũng được bắt đầu bằng việc khánh thành tuyến đường sắt Bắc - Nam, Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn cũng được đầu tư nâng cấp thành trung tâm giao nhận hàng hoá lớn nhất cả nước, hệ thống cảng sông, đội tàu được khôi phục và đầu tư mới tạo ra diện mạo mới khác hẳn thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Trong bối cảnh lịch sử sau chiến tranh, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tại Hà Tĩnh cũng bị tàn phá nặng nề, phương tiện, thiết bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Cuối năm 1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khóa V kỳ họp thứ 2 đã phê chuẩn hợp nhất hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngành GTVT hai tỉnh cũng hợp nhất thành ngành GTVT Nghệ Tĩnh. Từ năm 1976 đến năm 1991, 15 năm nhập tỉnh, ngành GTVT Nghệ Tĩnh đã phải gồng mình lên để xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Tính chung thời kỳ này, ngành GTVT Nghệ Tĩnh đã huy động được hơn 3 triệu ngày công lao động, làm mới 265km, sửa chữa 2.085km, rải cấp phối 1.356km đường; Xây dựng lại được 182 cầu/2.912md. Thực tế, trong giai đoạn này do nguồn lực có hạn và đang bị các thế lực phản động bao vây cấm vận nên ngành GTVT chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hàn gắn vết thương chíến tranh, sửa chữa nâng cấp, duy tu bảo dường hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT và chỉ ưu tiên đầu tư xây dựng những công trình trọng điểm thiết yếu như: Cảng Cửa lò, cầu bến Thuỷ, Quốc lộ 7, QL8A...
Năm 1991, Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 9 đã quyết định chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ an và Hà Tĩnh, Ngành GTVT Hà Tĩnh trở về với tên gọi của mình để tiếp tục sứ mệnh của thời kỳ tái thiết và phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Giai đoạn từ năm 1991 đến nay: Hàng thập kỷ tiếp theo của công cuộc ‘Đổi mới’ đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình phát triển của Ngành GTVT. Trong giai đoạn này, sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận, các tổ chức tài chính quốc tế và nhiều nhà tài trợ đã nối lại quan hệ với Việt Nam, cung cấp nhiều khoản viện trợ quan trọng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ vậy, Ngành GTVT đã có điều kiện và nguồn lực để phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Về đường bộ, Ngành GTVT đã hoàn thành cơ bản việc nâng cấp toàn tuyến trục dọc “xương sống” của đất nước là Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, trong đó nổi lên 02 công trình qui mô và hiện đại là Hầm đường bộ đèo Hải Vân và cầu Mỹ Thuận. Cùng với trục dọc này, một trục dọc thứ hai cũng đã hình thành. Đó là đường Hồ Chí Minh đã hoàn tất giai đoạn 1 (Đoạn từ Hoà Lạc đến Ngọc Hồi). Đường Hồ Chí Minh sẽ nối kết hơn 100 tuyến đường ngang trong đó có các trục hành lang Đông - Tây, nối liền với QL 1A ở phía Đông, gắn với hệ thống cảng biển nước sâu dọc bờ biển miền Trung, hệ thống các sân bay trên cao nguyên... hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam và liên thông với các nước láng giềng. Bên cạnh đó, Ngành GTVT cũng đã hoàn thành các tuyến quốc lộ chính yếu nối đến các cảng biển và cửa khẩu quốc tế như QL5, QL18, QL10, QL22, QL51, QL14B... Đồng thời, đã và đang nâng cấp các tuyến quốc lộ hướng tâm và vành đai phía Bắc, phía Nam; các tuyến quốc lộ ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Trên các tuyến đường mới, hàng loạt các cầu đã được xây dựng như: cầu Kiền, cầu Tô Châu, Tạ Khoa, Bến Lức, cầu Tuần và tuyến tránh thành phố Huế, cầu Tân An và tuyến tránh Tân An, cầu Yên Lệnh; cầu Tuyên Nhơn (tuyến N2); các cầu thuộc dự án cầu QL1: Đà Rằng, Diêu Trì, Tam Giang; Sông Vệ, Câu Lâu, Trà Khúc, Cây Bứa, Bồng Sơn và Bàn Thạch; cầu Sông Rộ (dự án Đường HCM về quê Bác); cầu Gò Chai (dự án Đường xuyên Á) cầu Hoà Mạc, cầu Kênh Tiêu, cầu Hà Nha, cầu Giát (QL38)... Đặc biệt, hiện nay công trình cầu Cần Thơ đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, đánh dấu sự hoàn tất các cầu trên Quốc lộ 1 - huyết mạch giao thông của đất nước.
Bên cạnh các dự án sử dụng vốn NSNN và tài trợ quốc tế, trong giai đoạn vừa qua đã nổi lên một số dự án BOT lần đầu tiên đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như BOT Đèo Ngang; BOT An Sương - An Lạc. Đây là tín hiệu rất đáng mừng về khả năng huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội cho sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Về đường sắt, Ngành GTVT đã từng bước nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao an toàn và rút ngắn đáng kể thời gian chạy tàu. Các cầu và ga trên đường sắt Thống Nhất đã được cải tạo và nâng cấp.
Về đường sông, đã hoàn thành nâng cấp 2 tuyến đường thuỷ phía Nam (TP HCM - Cà Mau, TP HCM - Kiên Lương); đồng thời từng bước nâng cấp các tuyến sông chính yếu khác.
Về hàng hải, Ngành GTVT trong giai đoạn vừa qua đã hoàn thành nâng cấp giai đoạn 1 các cảng biển tổng hợp quốc gia chủ yếu như: Cảng Cái Lân, Cảng Hải Phòng, Cảng Cửa Lò, Cảng Vũng Áng, Cảng Tiên Sa, Cảng Quy Nhơn, Cảng Nha Trang, Cảng Sài Gòn, Cảng Cần Thơ và hoàn thành nâng cấp một số cảng địa phương cần thiết đáp ứng lượng hàng hoá thông qua.
Về hàng không, tất cả các cảng hàng không trên khắp cả nước đều được nâng cấp một bước, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại bằng máy bay đang ngày càng gia tăng. Một số công trình quan trọng có thể kể ra như: Nhà ga T1, T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; cải tạo, nâng cấp sân bay Vinh, sân bay Phú Quốc, Cảng hàng không Phù Cát (Bình Định); đưa vào sử dụng Cảng hàng không Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu); Cảng hàng không Điện Biên Phủ; Cảng hàng không Chu Lai...
Trong lĩnh vực vận tải, các dịch vụ vận tải đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Chưa bao giờ người dân lại đi lại dễ dàng và thuận tiện như hiện nay nay với nhiều tuyến vận tải đường bộ đi khắp nơi, tới mọi “hang cùng, ngõ hẻm” với nhiều loại ô tô hiện đại, phục vụ nhiều tiện nghi như điều hoà, tivi... Tàu hoả Bắc - Nam ngày càng nhiều chuyến hơn. Hàng không Việt Nam ngày một có thêm nhiều máy bay đời mới, hiện đại như Boeing B767, B777, Airbus A321, A350... đưa vào khai thác nhiều tuyến bay mới cả trong nước và quốc tế. Các đội tàu biển, tàu sông của Việt Nam cũng vươn tới nhiều điểm đến trên toàn thế giới.
Về công tác an toàn giao thông, trong những năm gần đây, Ngành GTVT đã thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ nhiều chính sách nhằm góp phần cùng toàn xã hội thực hiện mục tiêu “3 giảm” về TNGT mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đó là giảm về số vụ tai nạn, giảm số người chết và giảm số người bị thương. Để làm được điều này, Ngành GTVT đã tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, xoá bỏ các “điểm đen” về TNGT; kiểm soát chặt chẽ phương tiện, từng bước loại bỏ các phương tiện cũ nát; tăng cường chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép người lái… Theo số liệu thống kê thì liên tục trong 3 năm qua, số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương tính trên 10.000 phương tiện đều giảm. Đây là kết quả rất đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực không chỉ của Ngành GTVT mà còn của các địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị.
Về công tác quản lý Nhà nước của Bộ GTVT, công tác xây dựng thể chế, văn bản qui phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT đã có bước chuyển biến quan trọng. Đến nay, lần đầu tiên Ngành GTVT đã có đủ 05 bộ luật điều chỉnh 05 lĩnh vực giao thông của Ngành: đường bộ, đường sông, đường sắt, hàng hải và hàng không.
Trong thời kỳ đất nước hội nhập ngày càng sâu và rộng với nền kinh tế thế giới, công tác đối ngoại giao thông vận tải cũng được tăng cường, đạt nhiều thành tựu. Ngành đã tích cực triển khai trên diện rộng các hoạt động đối ngoại cả song phương lẫn đa phương trong các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt, đường sông và đường bộ. Quan hệ song phương với các nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc đã được đẩy mạnh. Ngành cũng đã quan tâm thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các nước trong Liên minh châu Âu... thông qua việc hợp tác triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Công tác đào tạo của các trường trong Ngành cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: chất lượng đào tạo được đảm bảo và không ngừng nâng cao; cơ sở vật chất của các trường được củng cố và ngày càng hiện đại; ở mọi hệ đào tạo đều xuất hiện những nhân tố mới. Hệ thống mạng lưới các trường từ dạy nghề đến đại học đã được sắp xếp phù hợp với quy hoạch phát triển về giáo dục và đào tạo của đất nước, theo phương châm: “Học đi đôi với hành”, nâng cao tính thực tiễn trong chương trình đào tạo.
Y tế giao thông vận tải với hệ thống các bệnh viện, phòng khám và các trung tâm điều dưỡng - phục hồi chức năng - bệnh nghề nghiệp, các trung tâm y tế chuyên ngành; hàng năm Y tế giao thông vận tải thực hiện khám chữa bệnh cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân là cán bộ, công nhân của Ngành và nhân dân trong khu vực, đã và đang trở thành những địa điểm đáng tin cậy của cán bộ, công nhân trong Ngành và nhân dân trong cả nước.
Công đoàn ngành Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với cơ quan quản lý, động viên cán bộ, công nhân viên lao động toàn Ngành đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Công đoàn Ngành luôn nỗ lực phấn đấu để cải thiện đời sống, giảm bớt khó khăn cho cổng nhân lao động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Ngành và đất nước.
Công tác báo chí, xuất bản đã làm tốt vai trò là người “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng, hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học - công nghệ chuyên ngành Giao thông vận tải, xây dựng lịch sử, truyền thống của Ngành và phản ánh được đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ, công nhân viên ngành Giao thông vận tải.
Các lĩnh vực công tác khác của Ngành như quản lý hạ tầng giao thông, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Xác định là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và phải luôn luôn đi trước một bước, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo An ninh - Quốc phòng, Ngành GTVT Hà Tĩnh đứng trước những thách thức lớn lao để cùng cả nước tiến nhanh trong tiến trình hội nhập Quốc tế. Từ ngày tái lập tỉnh năm 1991 đến nay, cùng với cả nước, Ngành GTVT Hà Tĩnh đã có nhiều cố gắng, phấn đấu vượt bậc và đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu nổi bật được cấp trên ghi nhận. Ngành đã tập trung nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, sớm khắc phục tình trạng xuống cấp, mở rộng và hiện đại hoá có trọng điểm mạng lưới GTVT, chú trọng phát triển vận tải đường bộ, đường biển, đường sông, phát triển giao thông nông thôn và miền núi. Đến nay mạng lưới giao thông Hà Tĩnh được xây dựng theo đúng quy hoạch phát triển đến năm 2010, định hướng đến 2020, phát triển hợp lý tạo thành một hệ thống liên hoàn từ Quốc lộ - Tỉnh lộ - Huyện lộ - đến các đường liên xã, trung tâm xã, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Kết quả đạt được trên một số lĩnh vực chủ yếu như sau:
1. Lĩnh vực xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển GTVT.
Xác định xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển là nhiệm vụ quan trọng, nên đã được lãnh đạo ngành GTVT quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chất lượng công tác lập quy hoạch được nâng cao, sát với thực tế hơn, khả thi hơn và có tầm nhìn xa hơn, làm cơ sở để việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTVT một cách đồng bộ và có hiệu quả hơn.
Tiếp tục hoàn thiện và quản lý tốt Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh và của các địa phương; hoàn thành Quy hoạch tổng thể các điểm đấu nối với các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn; Quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ, dừng xe, các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn từ năm 2013-2020; Đề án Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2030...; hướng dẫn, giúp đỡ cho các xã Quy hoạch mạng lưới giao thông trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Các quy hoạch, kế hoạch được quản lý chặt chẽ, triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, phát huy hiệu quả, khai thác hết tiềm năng lợi thế của Ngành,
Tham mưu kịp thời các chương trình, chiến lược, văn bản chỉ đạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy nhanh và bền vững sự phát triển của ngành, lĩnh vực như: Dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đề án duy tu bảo dưỡng đường GTNT, cơ chế hỗ trợ XM làm đường GTNT phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các chỉ thị về quản lý đường bộ, đường sông, công tác đảm bảo trật tự ATGT... đó là các căn cứ pháp lý có tính khoa học và thực tiển để triển khai thực hiện, từ đó tạo bước chuyển biến mới và toàn diện trong lĩnh vực GTVT của tỉnh nhà.
2. Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.
Được sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương và các tổ chức; thu hút tối đa nguồn vốn, triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông quan trọng, làm thay đổi bộ mặt giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh; nhiều tuyến giao thông mới hình thành, một số cầu lớn được xây dựng và nhiều tuyến đường quan trọng được nâng cấp cải tạo hình thành các tuyến trục dọc, các tuyến đường nối hành lang Đông - Tây; đáp ứng tiến trình phát triển kinh tế xã hội các tỉnh duyên hải miền trung theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 19 của Tỉnh ủy; cụ thể :
Hoàn thành Dự án nâng cấp mở rộng QL1, đường nối QL 1 - Mỏ sắt Thạch Khê, đường QL15 đoạn nối QL1 (TP Hà Tĩnh) - Đường Hồ Chí Minh (Phúc đồng); đường ven biển và cầu Cửa Nhượng, các công trình giao thông phát triển đô thị theo NQ 18/TU; đang gấp rút hoàn thành cầu Đồng Văn, đường tránh ngập lũ TP Hà Tĩnh -Kẽ Gỗ - Hương Khê, các dự án xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã v.v… ; Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2010-2015 đạt: 3.375 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với giai đoạn 2005-2010 (776,5 tỷ đồng).
Cấp ủy Đảng đã lãnh đạo chuyên môn phối hợp với Chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác đền bù, tái định cư, GPMB, được Chính phủ và Bộ GTVT đánh giá cao, là tỉnh dẫn đầu trong cả nước. Phối kết hợp với các đơn vị của Bộ GTVT hoàn thành nhiều tuyến giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1 đoạn Bến Thủy - Bắc đường tránh TP Hà Tĩnh, Quốc lộ 8, Quốc lộ 1 đoạn Bắc thị trấn Kỳ Anh - Đèo Ngang, cầu Bến thủy 2. Tiếp tục phối hợp với các bộ, Ngành Trung ương, các tổ chức Quốc tế để tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến đường Ven biển, Quốc lộ 8, QL 12C, đường bộ cao tốc v.v…
Phối hợp với các cơ quan liên quan, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc đầu tư xây dựng hòan thành giai đoạn 1 và 2 cảng biển nước sâu Vũng Áng, cảng Sơn Dương do tập đoàn Formosa Đài Loan đầu tư với 35 bến. Phối hợp Cục đường sắt Việt nam cải tạo một số công trình cầu đường sắt, đầu tư xây dựng mới ga Yên Trung - ĐứcThọ, từng bước nâng cấp ga Gia Phố - Hương Khê thành ga chính phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho các huyện có đường sắt đi qua. Các tuyến đường thủy nội địa đã được quan tâm về mặt quản lý nhà nước, phục vụ cho việc phát triển ngành vận tải thủy.Phối hợp với Bộ GTVT
Việc đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trong những năm vừa qua đã tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ từ đường Quốc lộ đến đường Tỉnh, tạo nên mạng lưới giao thông trục dọc, trục ngang và hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Kết nối các chuỗi đô thị bắc, nam; miền ngược với miền xuôi, kết nối Hà Tĩnh với nước bạn Lào và các tỉnh đông bắc Thái Lan, từ đó thúc đẩy triển phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN của tỉnh nhà nói riêng và của cả nước nói chung.
3. Lĩnh vực giao thông nông thôn.
Phong trào xây dựng đường GTNT - MN với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã được duy trì và phát triển mạnh mẽ cả về khối lượng và quy mô, năm sau thường cao hơn năm trước. Tính đến nay, 100 % số xã trong toàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã.. Mạng lưới đường GTNT đã phát triển rộng khắp tới tận từng thôn xóm với chiều dài 7.968 km, trong đó có 4.418 km đường GTNT được nhựa hoá hoặc bê tông hoá.
Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ phát triển GTNT. Hàng năm phát động ra quân làm GTNT, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương. Chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đánh giá, tiêu chí số 2 (giao thông) đối với phong trào xây dựng nông thôn mới. Kết quả trong nhiệm kỳ đã làm mới 3.812 km mặt đường nhựa và BTXM bằng 153,2% so với giai đoạn 2005-2010; Giá trị thực hiện khoảng 3.884 tỷ đồng, bằng 317,2% so với nhiệm kỳ trước, là tỉnh dẫn đầu về phong trào làm đường GTNT trong cả nước. Đến nay toàn tỉnh đã có 32 xã đạt tiêu chí số 2 trong xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống GTNT phát triển đã tạo điều kiện cho nhân dân đi lại được dễ dàng, giao lưu hàng hoá thuận tiện, tạo thành động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo tiền đề cho sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh ngày nay đã có nhiều khởi sắc, nhân dân phấn khởi tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
4. Lĩnh vực quản lý phương tiện và vận tải .
Công tác quản lý vận tải được xiết chặt; dịch vụ vận tải phát triển mạnh, nhất là vận tải khách công cộng bằng xe buýt; chất lượng phương tiện ngày càng cao, tiêu biểu là hệ thống xe khách tuyến cố định Hà Tĩnh - Hà Nội, đáp ứng tốt nhu cầu nhu đi lại, giao thương của nhân dân; chất lượng đào tạo người lái, kiểm định phương tiện ngày càng được nâng cao:
Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với 40 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định và theo hợp đồng (269 xe), 03 đơn vị vận tải khách bằng xe buýt (130 xe), 12 đơn vị vận tải khách bằng taxi (787 xe), 155 đơn vị và hộ cá thể vận tải hàng hóa (13.293 xe) và phát triển thêm 01 đơn vị thực hiện loại hình vận tải hàng hóa bằng Container (19 xe).
Lập lại trật tự trong vận tải hành khách và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải ô tô khách bằng việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình để xử lý nguội, quản lý nghiêm ngặt giá cước vận tải; nâng cao công tác đào tạo người lái, kiểm tra xếp loại các cơ sở đào tạo, tiếp tục hiện đại hóa Trung tâm sát hạch theo quy định, xiết chặt công tác sát hạch cấp GPLX, đưa công nghệ thông tin vào quản lý thi tốt nghiệp và sát hạch cấp GPLX; đầu tư dây chuyền kiểm định mới, nâng cao năng suất, chất lượng của trung tâm kiểm định cơ giới đường bộ 38- 01S.
Để nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, trong những năm qua đã đầu tư xây mới 04 bến xe khách và mở mới 6 tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân của các vùng miền cũng như cán bộ CNV làm việc tại khu Kinh tế Vũng Áng; tiếp tục triển khai tuyến vận tải liên vận Quốc tế Việt Nam - Lào -Thái Lan, được Bộ GTVT 3 nước đồng thuận cao.
Công tác quản lý vận tải đường thuỷ nội địa trên địa bàn được tăng cường chỉ đạo, đã tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn lưu động, kết hợp đăng ký, đăng kiểm phương tiện; tiếp tục thực hiện việc phân cấp quản lý cho các huyện, thị; từng bước tạo được ý thức cho người dân trong việc tuân thủ pháp luật về đường thuỷ nội địa và nâng cao trách nhiệm cho chính quyền các địa phương.
Việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ TP Hà Tĩnh tới các đô thị liền kề đã được đưa vào khai thác có hiệu quả, được đông đảo nhân dân ủng hộ và đánh giá cao, điển hình là các tuyến: Hà Tĩnh - Kỳ Anh - Vũng Áng, Hà Tĩnh - Vinh, Hương Sơn - Vinh, Hà Tĩnh - Hương Khê, Hà Tĩnh - Lộc Hà – Nghi Xuân; Hà Tĩnh – Vũ Quang – Hương Sơn vv...
5. Lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường bộ đã được thực hiện thường xuyên, góp phần giáo dục ý thức của các lái xe, doanh nghiệp vận tải và hạn chế có hiệu quả những vi phạm về tải trọng và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định điều kiện bảo đảm an tòan đối với phương tiện thủy nội địa và phân cấp cấp phép hoạt động cảng bến thủy nội địa về các huyện... Tạo mối quan hệ thường xuyên với các ngành , cấc cấp trong lĩnh vực bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng công trình giao thông trên địa bàn theo phân cấp của UBND tỉnh. Nhờ đó mà giao thông trên địa bàn đảm bảo thường xuyên thông suốt, an toàn và êm thuận, tại nạn giao thông hàng năm giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương
6. Về lĩnh vực cải cách hành chính, công tác khoa học, công nghệ và đào tạo.
Việc kiểm soát TTHC là một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm vụ CCHC, Sở đã triển khai rà soát trình UBND tỉnh công bố lần đầu Bộ TTHC cấp sở với 77 thủ tục, Bộ TTHC cấp huyện với 12 thủ tục, hàng năm rà soát trình công bố và công khai lại theo quy trình và thủ tục. Kết quả giao dịch một cửa đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân về chất lượng phục vụ cũng như thời gian giải quyết TTHC. Duy trì tốt cơ chế giao dịch một cửa tại văn phòng Sở được nhân dân ghi nhận và UBND tỉnh đánh giá cao, cắt giảm 1/3 thành phần hồ sơ và 1/2 thời gian so với quy định.
Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các thể chế quản lý về lĩnh vực GTVT. Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong duy tu, bảo dưỡng đường GTNT đã được HĐND tỉnh thông qua, hiện đang được ngành triển khai thực hiện . Bên cạnh đó để nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, ngành đã thường xuyên sắp xếp lại tổ chức, kiện toàn lại bộ máy tổ chức các phòng chuyên môn,các Ban QLDA, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp công ích trực thuộc.
Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới tiến tiến đã được chuyển giao ứng dụng thành công như: Công nghệ thi công đúc hẫng cân bằng, dầm super T vào xây dựng cầu; ứng dụng vật liệu Cacboncor Asphalt vào sửa chữa đường, ứng dụng công nghệ dán sợi thủy tinh vào sửa chữa cầu, đặc biệt là một trong những chủ đầu tư sớm ứng dụng thảm bê tông nhựa polymer tại Dự án nâng cấp QL1 để chống hằn lún vệt bánh xe v.v…
Công tác đào tạo bồi bưỡng cán bộ, công chức được ngành chú trọng và đạt được những kết quả cao. Đội ngũ cán bộ công chức ngành GTVT có tâm huyết và trình độ Khoa học kỹ thuật, đủ điều kiện để kế thừa và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trên tất cả các lĩnh vực công tác được giao.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, lao động sản xuất trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại và công cuộc đổi mới xây dựng tổ quốc Việt Nam XHCN, ngành GTVT Hà Tĩnh đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 5 tập thể, trong đó có Ty GTVT Hà Tĩnh nay là Sở GTVT; tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân cho 4 cá nhân và 1 Anh hùng lao động .
Trong thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước, ngành GTVT Hà Tĩnh nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về phong trào làm đường GTNT, nên liên tục được cấp trên biểu dương khen thưởng. Đặc biệt từ năm 2001 lại nay ngành GTVT Hà Tĩnh liên tục được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua xuất sắc. Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng nhất cho ngàng GTVT, Huân chương lao động hạng 3 cho Công đoàn ngành và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc cũng được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3. Ngoài ra nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh tặng bằng khen.
Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ cán bộ, công nhân viên lao động ngành GTVT Hà Tĩnh đã xây đắp nên những truyền thống tốt đẹp. Đó là truyền thống tuyệt đối trung thành với Đảng với cách mạng, với lợi ích của nhân dân; là truyền thống kiên trì chịu đựng gian khổ, cần cù mưu trí sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm; là truyền thống đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, với các ngành các cấp trong quá trình hoạt động; và truyền thống đoàn kết Quốc tế cao cả, trong sáng thủy chung, với phương châm giúp bạn cũng như giúp mình, quên mình vì những tuyến đường thắm tình hữu nghị.
Kế tiếp truyền thống vẻ vang của ngành, mỗi cán bộ CNVC lao động toàn ngành GTVT Hà Tĩnh hôm nay luôn đoàn kết nhất trí nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; ghi nhận công lao của các thế hệ cha anh; tiếp thêm ý chí, quyết tâm xây dựng ngành GTVT Hà Tĩnh phát triển toàn diện, góp phần thức dậy tiềm năng của một vùng duyên hải bắc Miền Trung, xây dựng tỉnh nhà trở thành một tỉnh công nghiệp và dịch vụ phát triển, viết tiếp những trang sử hào hùng của ngành GTVT trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước./.