Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là một trong những khâu quan trọng quyết định đến tiến độ thực hiện các dự án xây dựng công trình. Nhận thực được tầm quan trọng của công tác BT-GPMB, trên cơ sở nội dung Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 13/4/2006 của BTV Tỉnh ủy khóa XVI
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là một trong những khâu quan trọng quyết định đến tiến độ thực hiện các dự án xây dựng công trình. Nhận thực được tầm quan trọng của công tác BT-GPMB, trên cơ sở nội dung Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 13/4/2006 của BTV Tỉnh ủy khóa XVI về tăng cường lãnh đạo công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng đến năm 2010 và những năm tiếp theo", thời gian qua, Đảng ủy Sở GTVT Hà Tĩnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc đến từng Chi bộ, đặc biệt là Chi bộ các Ban QLDA thuộc Sở trong việc phối hợp với các địa phương có dự án đi qua để thực hiện công tác BT-GPMB các dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Tĩnh đã nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự phối kết hợp nhịp nhàng của các Sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, công tác GPMB các dự án xây dựng công trình giao thông do Sở làm chủ đầu tư đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án được giao.
Trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay, Sở GTVT Hà Tĩnh đã được Bộ GTVT, UBND tỉnh Hà Tĩnh tín nhiệm giao làm Chủ đầu tư nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh như: Đường Phan Đình Phùng kéo dài; Đường nối QL1A - Mỏ sắt Thạch Khê; Đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng (gđ 1); Cải tạo, nâng cấp QL15 đoạn nối QL1 - Đường Hồ Chí Minh; Đường tránh ngập lũ TP. Hà Tĩnh - Kẻ Gỗ - Hương Khê; Nâng cấp, mở rộng QL1,… Có thể nói, các công trình, dự án do Sở GTVT làm Chủ đầu tư (hoặc làm đầu mối để theo dõi, đôn đốc về công tác GPMB), quá trình triển khai tuy có vướng mắc cục bộ một số vị trí, nhưng nhìn chung cơ bản đáp ứng tiến độ thi công của dự án. Đặc biệt là dự án Nâng cấp, mở rộng QL1 đã được Bộ GTVT đánh giá cao cách thức chỉ đạo trong công tác đền bù GPMB và đã được Bộ tặng bằng khen cho tập thể Sở GTVT.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khóa XVI, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: Việc QLNN về đất đai, quản lý quy hoạch đất đai ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mực, chưa chặt chẽ; Việc mua bán đất đai không được cấp giấy chứng nhận kịp thời dẫn đến việc tranh chấp giữa các hộ khi có đền bù GPMB; Một số Hội đồng BT-GPMB thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm nên nhiều lúc vẫn chưa dành thời gian cho công tác BT-GPMB, năng lực một số cán bộ Hội đồng BT-GPMB chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Việc quản lý phạm vi diện tích đã thực hiện đền bù GPMB ở một số địa phương tại một số dự án chưa tốt, dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm; Tình trạng cùng một dự án, cùng một loại đất nhưng giá đất bồi thường ở hai địa phương giáp ranh chênh lệch nhau hoặc không phù hợp với giá thị trường; Hầu hết các địa phương không có sẵn các khu tái định cư; Một số đối tượng có trình độ nhận thức hạn chế, thiếu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, lợi dụng tự do, dân chủ để khiếu kiện, gây rối, lôi kéo, kích động không chịu bàn giao mặt bằng thi công;...
Để thực hiện tốt công tác BT-GPMB khi xây dựng các công trình, dự án trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các chủ đầu tư cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 13/4/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khoá XVI, trong đó nổi lên một số vấn đề cần quan tâm sau:
Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách đất đai: Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, vận động tới toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân hiểu và đồng thuận. Đối với Chủ đầu tư cần tăng cường kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu với chính quyền địa phương và tổ chức làm công tác bồi thường để thực hiện đúng quy trình công khai, minh bạch, hạn chế đến mức thấp nhất các thắc mắc, khiếu kiện của người dân.
- Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai: Các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã nơi có đất bị thu hồi và gắn với việc thanh tra, kiểm tra, xử lý khắc phục tồn tại trong quá trình xây dựng và quản lý đất đai; bên cạnh nâng cao chất lượng công tác quản lý, các cơ quan chức năng cần kịp thời hỗ trợ, phối hợp xử lý, tháo gỡ các vướng mắc về đất đai tại các địa phương khi có yêu cầu.
- Xây dựng cơ chế chính sách sát thực tế: Hằng năm cần xây dựng giá đất tương đối sát với giá thị trường, phù hợp với Quy định về giá đất và Quy định về khung giá đất theo Nghị định của Chính phủ; cân đối giá các khu vực giáp ranh địa giới hành chính phù hợp.
- Về tái định cư: Trước mỗi dự án các cơ quan chức năng cần lập quy hoạch, kế hoạch giá đất tái định cư đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu và đầy đủ hạ tầng kỹ thuật. Trong trường hợp cần thiết có thể cho ứng trước ngân sách để đầu tư xây dựng khu tái định cư trước.
- Chủ động và ưu tiên nguồn kinh phí cho công tác GPMB: Để đảm bảo tiến độ dự án, công tác GPMB cần phải tiến hành trước một bước. Do đó, cần phải ưu tiên bố trí nguồn kinh phí kịp thời cho công tác này.
- Về tổ chức bộ máy làm công tác GPMB: Các địa phương phải thực hiện GPMB nên thành lập tổ chức chuyên trách về GPMB nhằm tập trung về thời gian, con người để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ làm công tác BT-GPMB.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự phối hợp của các Sở, ngành và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, cùng những giải pháp kiến nghị của Sở GTVT, hi vọng công tác GPMB các dự án nói chung và các dự án giao thông nói riêng trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thuận lợi, đáp ứng tiến độ thi công các dự án.