Ngày 04/10/2017, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khu vực phía Bắc tại thành phố Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dự và chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đại biểu là đại diện các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Lãnh đạo một số UBND tỉnh, Lãnh đạo một số Sở, ban, ngành của 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía bắc từ thành phố Đà Nẵng trở ra; các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin Hội nghị.
Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã phát biểu khai mạc Hội nghị, trong đó nhấn mạnh Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2017 có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chính trị và pháp lý, đã hoàn thiện một bước về mặt thể chế điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các đạo luật liên quan, đồng thời, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc củng cố, hoàn thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, của nền công vụ, cũng như trách nhiệm của Nhà nước với công dân.
Về những điểm mới của Luật TNBTCNN năm 2017 so với Luật TNBTCNN năm 2009, ông Nguyễn Văn Bốn – Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết: Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các Bộ luật, Luật mới được ban hành, kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật hiện hành, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN năm 2009, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 có một số điểm mới quan trọng như sau: bổ sung quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước; bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các lĩnh vực; bổ sung một số thiệt hại và lượng hóa các thiệt hại được bồi thường; quy định cụ thể về cơ quan giải quyết bồi thường; sửa đổi toàn diện các quy định trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường theo hướng rõ ràng, rút ngắn thời hạn giải quyết và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; sửa đổi toàn diện các quy định về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả; quy định cụ thể và tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước…
Hội nghị cũng đã được nghe các chuyên đề của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang bàn về các nội dung mới của Luật TNBTCNN năm 2017 về giải quyết bồi thường trong ngành Tòa án và Kiểm sát, về tăng cường hoạt động giải quyết bồi thường, biện pháp bảo đảm tài chính trong hoạt động giải quyết bồi thường, thực trạng công tác cán bộ làm công tác bồi thường, công tác chuẩn bị cho việc triển khai thi hành Luật TNBTCNN, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để thực hiện hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2017, …
Trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị đã, đang và sẽ gặp phải trong việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước và đề xuất những giải pháp bảo đảm cho các quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 đi vào cuộc sống, được áp dụng đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.
Hội nghị cũng đã quán triệt Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch quán triệt triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong đó xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí để tổ chức triển khai thi hành Luật có hiệu quả.
Kết thúc Hội nghị, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Văn Bốn – Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước đã cảm ơn sự tham gia trao đổi, thảo luận, chia sẻ thẳng thắn, thể hiện sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội nghị trong việc đưa ra các giải pháp để triển khai có hiệu quả Luật TNBTCNN trên thực tiễn. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Bốn cũng đề nghị các địa phương quan tâm sớm ban hành Kế hoạch quá triệt, triển khai thi hành Luật và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về con người, về cơ sở vật chất … để bảo đảm triển khai có hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2017 khi Luật có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2018./.
Vũ Thanh Tùng.