Trong hai ngày 6, 7 tháng 3 năm 2018, đoàn công tác của Ban Quản lý dự án 6 - Bộ GTVT (đơn vị được giao Chủ đầu tư dự án thành phần đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt) cùng đơn vị tư vấn thiết kế (Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT - CTCP) đã có buổi làm việc với Sở GTVT Hà Tĩnh
Trong hai ngày 6, 7 tháng 3 năm 2018, đoàn công tác của Ban Quản lý dự án 6 - Bộ GTVT (đơn vị được giao Chủ đầu tư dự án thành phần đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt) cùng đơn vị tư vấn thiết kế (Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT - CTCP) đã có buổi làm việc với Sở GTVT Hà Tĩnh và các địa phương có dự án đi qua để thống nhất một số phương án thiết kế trong quá trình lập hồ sơ nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội Khóa 14 thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 22/11/2017 (Nghị quyết số 52/2017/QH14). Theo đó, giai đoạn 2017 – 2020 dự kiến đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần vận hành độc lập, đi qua 13 tỉnh thành; tổng mức đầu tư là 118.716 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách dự kiến là 55.000 tỷ đồng). Dự kiến khi dự án hoàn thành sẽ giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng; từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn. Trong giai đoạn này, đoạn qua Hà Tĩnh dài khoảng 5km (thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt), nằm hoàn toàn trên địa bàn huyện Đức Thọ (đi qua địa bàn 3 xã: Đức Vĩnh, Yên Hồ và Đức Thịnh). Điểm đầu từ cầu Đức Quang và điểm cuối giao nhau với Quốc lộ 8B tại xã Đức Thịnh.
Ảnh: Tổng thể hướng tuyến đường cao tốc đoạn qua các tỉnh miền trung
Tại buổi làm việc, Ban QLDA 6 và đơn vị tư vấn đã báo cáo các nội dung nghiên cứu khả thi của dự án về hướng tuyến, các điểm khống chế chủ yếu; các nút giao liên thông, trực thông; hệ thống đường gom, cống chui dân sinh; các công trình cầu vượt sông …
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Trung Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh đề nghị Ban QLDA 6, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của địa phương để nghiên cứu, xem xét có giải pháp thiết kế phù hợp. Trong đó, cần quan tâm, xem xét điều chỉnh, bổ sung các công trình kết nối dân sinh, khu vực sản xuất hai bên tuyến đảm bảo việc đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong vùng được an toàn, thuận tiện; thu thập đầy đủ thông tin, tham vấn ý kiến của các đơn vị liên quan để có cơ sở thiết kế cao độ cầu dẫn đảm bảo phù hợp với các quy hoạch liên quan, không ảnh hưởng đến việc qua lại đối với các phương tiện ứng cứu đê, cứu hộ, cứu nạn, di dân vùng lũ trong mùa mưa lũ; điều tra, khảo sát, thu thập đầy đủ các số liệu khí tượng, thủy văn khu vực tuyến, cũng như các công trình thoát nước hiện trạng để tính toán, xác định số lượng, vị trí, khẩu độ và kết cấu công trình phù hợp với điều kiện thủy văn và thực tế, đảm bảo yêu cầu việc thoát lũ và tưới tiêu; nghiên cứu, khảo sát kỹ các phương án tuyến tránh tối đa việc cắt qua khu dân cư, các công trình tâm linh, văn hóa, di tích lịch sử…; đồng thời, sớm triển khai việc cắm cọc tim tuyến, cọc GPMB ở thực địa bàn giao cho địa phương để triển khai công tác BT-GPMB theo quy định, đáp ứng tiến độ dự án./.
Bài và ảnh: Phòng KTTĐ