Nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong ngành Giao thông vận tải, chiều ngày 03/11/2023, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học: “Ứng dụng công nghệ, vật liệu mới trong xây dựng và bảo trì công trình giao thông”.
Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và các phòng, đơn vị chuyên môn; đại diện Hội khoa học kỹ thuật tỉnh; Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Hà Tĩnh; các Sở: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng; các Ban QLDA đầu tư xây dựng cấp tỉnh; các phòng chuyên môn, Ban QLDA thuộc UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị tư vấn thiết kế kế, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp trên địa bàn tỉnh; đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về vật liệu, công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông.
Ông Lê Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở GTVT phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia đầu ngành giới thiệu, phân tích ưu điểm của một số công nghệ, vật liệu mới trong xây dựng và bảo trì công trình giao thông; việc ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới trên địa bàn Việt Nam và địa bàn tỉnh ta; hiệu quả mang lại đối với phát triển ngành Giao thông vận tải nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Đây là loại vật liệu có nhiều ưu việt như trọng lượng nhẹ, độ bền kéo cao, kháng ăn mòn, ổn định vật lý và hóa học, giảm vết nứt tạo ra các kết cấu vững chắc, bền bỉ trong xây dựng. Hiện nay một số đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu trên địa bàn Việt Nam đã sử dụng lưới sợi thủy tinh như Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI); Công ty cổ phần tư vấn đường cao tốc Việt Nam…
Tiếp theo chương trình, Hội thảo đã được nghe ông Đào Minh - chuyên gia Công ty cổ phần công nghệ bảo trì nâng cấp đường bộ Việt Nam (VITECROAD) trình bày chuyên đề về “Ứng dụng công nghệ mới trong tái chế mặt đường BTXM ở Việt Nam và đánh giá việc ứng dụng công nghệ tái chế mặt đường láng nhựa, bê tông nhựa”. Chuyên đề này đã đưa đến cách tiếp cận mới trong cải tạo mặt đường bê tông xi măng. Nếu như trước đây đối với mặt đường bê tông hư hỏng chỉ có giải pháp là đào phá bỏ mặt đường cũ hoặc dùng làm lớp móng sau đó thi công các lớp mặt đường phía trên thì hiện nay công nghệ tái chế mặt đường có thể cho phép tái chế cả mặt đường bê tông xi măng. Đặc biệt công nghệ này rất phù hợp đối với các tuyến đường hiện trạng bị khống chế về cost cao độ, các tuyến đi qua khu vực đông dân cư cần hạn chế tôn cao mặt đường để ảnh hưởng đến dân sinh.
Phần cuối chương trình Hội thảo, Thạc sỹ Phạm Trung Hải, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND thị xã Kỳ Anh đã trình bày chuyên đề về “Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san, đắp nền đường”. Đây là đề tài có tính thực tiễn cao. Việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường đã được Bộ Giao thông vận tải thí điểm cho Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nghiên cứu thí điểm này làm cơ sở để đánh giá khả năng thay thế cát sông đắp nền đường bằng cát biển ra thực tế theo các thiết kế điển hình của đường giao thông. Đến nay, đoạn thí điểm đã hoàn thành hết lớp đắp bằng cát biển K95, K98 (tỷ lệ đầm nén thực tế đạt 95, 98%) đang thi công lớp đá dăm láng nhựa, dự kiến đến tháng 12/2023 sẽ hoàn thành đến lớp mặt và có thể thông tuyến đoạn thí điểm. Cát nhiễm mặn là nguồn vật liệu cần hướng tới để thay thế cát sông đang dần khan hiếm cho ngành xây dựng công trình trong thời gian tới.
Qua Hội thảo cho thấy các công nghệ, vật liệu mới được giới thiệu có tính thực tế, mang lại hiệu quả trong xây dựng và bảo trì công trình giao thông, là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng./.
Duy Nam - Khánh Long (Phòng QLCL CTGT)