Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu vừa chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL). Nghị định này dự kiến sẽ được ban hành kịp thời để bảo đảm triển khai thi hành ngay cùng thời điểm hiệu lực của Luật TGPL kể từ ngày 1/1/2018.
Báo cáo với Hội đồng, Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh cho biết, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết 05 nội dung mà Luật giao cho Chính phủ, bao gồm: điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL; tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước; chế độ chính sách của trợ giúp viên pháp lý, thù lao, chi phí đối với luật sư, cộng tác viên; thù lao, chi phí thực hiện vụ việc TGPL của tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp; cộng tác viên tham gia TGPL.
Riêng về quy định điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL, theo bà Minh, đây là một vấn đề mới trong pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu và để áp dụng trong lĩnh vực TGPL, dự kiến đưa ra căn cứ dựa trên thu nhập hàng tháng là “địa vị”, tình trạng thường xuyên, lâu dài và không có cơ chế khác để được bảo vệ mình trước pháp luật của 08 nhóm người được quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật nhằm xác định điều kiện có khó khăn về tài chính. Mặt khác, việc quy định chi tiết về điều kiện có khó khăn về tài chính được đặt trong bối cảnh Luật TGPL đã quy định 14 nhóm người thuộc diện được TGPL (Bộ Tư pháp ước tính có khoảng 40 triệu người).
Do đó, để bảo đảm tính khả thi quyền được TGPL của người dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, Dự thảo Nghị định đã đưa ra 02 điều kiện được coi là có khó khăn về tài chính như sau: Là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Trong đó, người thuộc hộ cận nghèo là điều kiện theo phương diện tiếp cận về thu nhập của người được TGPL. Còn các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là điều kiện theo phương diện tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho một trong những nhóm người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
Như vậy, 08 nhóm người được quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật TGPL phải đáp ứng 02 yêu cầu để được TGPL: thuộc 1 trong 8 nhóm người được quy định tại khoản 7 Điều 7; thuộc 1 trong 2 điều kiện được quy định chi tiết tại Nghị định này. Dự kiến số lượng của 08 nhóm người có khó khăn về tài chính là khoảng 2,7 triệu người.
Một nội dung khác của Dự thảo Nghị định là những quy định về đội ngũ cộng tác viên. Trên cơ sở được Luật giao theo quy định tại Điều 24, Dự thảo Nghị định đã chi tiết hóa việc công nhận cộng tác viên; cấp, cấp lại thẻ cộng tác viên TGPL, sử dụng, thu hồi thẻ. Theo đó, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật TGPL, nếu tự nguyện làm cộng tác viên TGPL thì gửi hồ sơ đến Trung tâm ở địa phương nơi mình cư trú. So với quy định hiện hành, thủ tục công nhận cộng tác viên TGPL có sửa đổi và bổ sung yêu cầu giấy tờ chứng minh đã nghỉ hưu để phù hợp với quy định về điều kiện làm cộng tác viên tại Điều 24 Luật TGPL.
Dự thảo Nghị định cũng làm rõ các trường hợp thu hồi thẻ cộng tác viên. Cụ thể là thu hồi thẻ cộng tác viên thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật TGPL (trong đó thời hạn không thực hiện tư vấn pháp luật mà không có lý do chính đáng được quy định là 02 năm để bảo đảm phù hợp với tinh thần của Luật TGPL); thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật TGPL hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động TGPL nhưng chưa đến mức bị thu hồi thẻ mà còn tiếp tục có hành vi vi phạm; chấm dứt theo hợp đồng thực hiện TGPL.
Về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, về cơ bản, dự thảo Nghị định kế thừa quy định hiện hành. Riêng tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý, Dự thảo Nghị định chỉnh lý một số tiêu chuẩn so với Nghị định hiện hành như phải "là trợ giúp viên pháp lý" và "có ít nhất 03 năm là trợ giúp viên pháp lý hoặc ít nhất 05 năm làm công tác pháp luật có liên quan tới TGPL", "có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp theo quy định của UBND cấp tỉnh". Đối với tổ chức và hoạt động của Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước, theo tinh thần của Luật chỉ thành lập Chi nhánh trong những trường hợp thực sự cần thiết, Dự thảo Nghị định hướng dẫn tại huyện dự kiến thành lập Chi nhánh phải căn cứ vào nhu cầu về TGPL cao, có Trợ giúp viên pháp lý làm việc thường xuyên, có cơ sở vật chất bảo đảm... Vấn đề thù lao, bồi dưỡng và các chi phí thực hiện vụ việc TGPL của người thực hiện TGPL thì được quy định trên cơ sở kế thừa hiện hành, đồng thời có chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tiễn và quy định của Luật TGPL...
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định mới đây, Thứ trưởng Lê Tiến Châu và đa số thành viên Hội đồng tán thành với các quy định của Dự thảo Nghị định nhưng cũng có một số góp ý mạnh dạn như có thể nghiên cứu cơ chế bổ nhiệm luật sư có khả năng, tâm huyết, tự nguyện muốn làm Giám đốc Trung tâm để tạo cơ hội cho những người "ngoài" Nhà nước có đủ điều kiện hay làm rõ thế nào là tiêu chuẩn "5 năm làm công tác pháp luật có liên quan tới TGPL". Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Tiến Châu nhất trí trình Chính phủ xem xét Dự thảo Nghị định và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm về ý kiến của Hội đồng.